Bong Gân và Căng Cơ Là Gì

Bong gân là chấn thương dây chằng (mô nối hai hoặc nhiều xương tại một khớp). Khi bong gân, một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc bị rách.

Những Nguyên Nhân Nào Gây Ra Bong Gân?

Nhiều nguyên nhân có thể gây ra bong gân. Té ngã, trẹo khớp hoặc bị đánh có thể làm khớp trật ra khỏi vị trí bình thường. Điều này có thể là nguyên nhân làm cho các dây chằng xung quanh khớp bị giãn hoặc rách. Bong gân có thể xảy ra nếu mọi người:

Ngã và chống tay xuống đất

Ngã đè lên một cạnh bàn chân

Trẹo đầu gối.

Bong Gân Thường Xảy Ra Ở Bộ Phận Nào?

Bong gân thường xảy ra nhất ở mắt cá chân. Thỉnh thoảng, khi mọi người ngã và chống tay xuống đất, họ bị bong gân ở cổ tay. Bong gân ở ngón tay cái rất phổ biến trong trượt tuyết và các môn thể thao khác.

Bong Gân Có Những Dấu Hiệu và Triệu Chứng Gì?

Dấu hiệu và triệu chứng thông thường của bong gân là:

Đau

Sưng

Tím bầm

Khớp không thể cử động và vận động.

Thỉnh thoảng, mọi người cảm thấy tiếng rắc hoặc tiếng bựt khi xảy ra chấn thương. Bong gân có thể nhẹ, vừa hoặc nặng.

Căng cơ là chấn thương cơ hoặc gân (mô gắn cơ với xương). Khi căng cơ, cơ hoặc gân bị giãn căng hoặc rách.

Những Nguyên Nhân Nào Gây Ra Căng Cơ?

Căng cơ gây ra do xoắn hoặc kéo cơ hoặc gân. Căng cơ có thể xảy ra đột ngột hoặc phát triển sau vài ngày hoặc và i tuần. Căng cơ đột ngột (cấp tính) gây ra do:

Chấn thương gần đây

Nhấc vật nặng không đúng cách

Căng giãn cơ quá mức.

Căng cơ mãn tính thường bị gây ra do cử động cơ và gân cùng một cách lặp đi lặp lại.

Căng Cơ Thường Xảy Ra Ở Bộ Phận Nào?

Hai vị trí căng cơ thường gặp là lưng và cơ gân khoeo ở mặt sau đùi. Các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục Mỹ, khúc côn cầu, quyền Anh và đấu vật làm cho người chơi có nguy cơ bị căng cơ lưng hoặc cơ chân. Những người chơi thể thao thường sử dụng bàn tay và cánh tay. Ví dụ như thể dục dụng cụ, quần vợt, chèo thuyền và đánh gôn. Những người chơi các môn thể thao này đôi khi bị căng cơ bàn tay hoặc cánh tay. Căng cơ khuỷu tay cũng có thể xảy ra khi chơi thể thao.

Căng Cơ Có Những Dấu Hiệu và Triệu Chứng Gì?

Căng cơ có thể gây ra:

Đau

Co thắt cơ

Yếu cơ

Sưng

Chuột rút

Khó cử động cơ.

Nếu cơ hoặc gân bị đứt hoàn toàn toàn, người bệnh thường rất đau và khó cử động.

Điều Trị Bong Gân và Căng Cơ Như Thế Nào?

Phương pháp điều trị bong gân và căng cơ giống nhau. Để bớt sưng và đau trong một hai ngày đầu tiên, bác sĩ thường khuyên:

Cho vùng bị thương nghỉ ngơi. Nếu mắt cá chân hoặc đầu gối bị đau, bác sĩ có thể khuyên quý vị sử dụng nạng hoặc gậy.

Chườm đá lên chỗ bị thương khoảng 20 phút một lần. Bác sĩ có thể khuyên làm như vậy 4 đến 8 lần một ngày.

Băng bó (nẹp) vết thương bằng cách sử dụng băng, bó bột, giày ống hoặc thanh nẹp đặc biệt. Bác sĩ sẽ cho quý vị biết cách nào tốt nhất với quý vị và mức độ chặt cần thiết.

Đặt mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay hoặc cổ tay bị thương lên gối.

Bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen.

Sau khi điều trị đau và sưng, bác sĩ thường khuyên tập luyện cho vùng bị thương. Điều này giúp ngăn chặn tê cứng và tăng sức mạnh. Một số người cần đến vật lý trị liệu. Quý vị có thể cần tập luyện cho vùng bị thương hoặc điều trị bằng vật lý trị liệu trong vài tuần. Bác sĩ hay nhà vật lý trị liệu sẽ cho quý vị biết khi nào quý vị có thể bắt đầu thực hiện các hoạt động bình thường, kể cả chơi thể thao. Nếu quý vị bắt đầu quá sớm, quý vị có thể làm tổn thương lại vùng đó.

Y học cổ truyền và dân gian cũng có những phương pháp và bài thuốc dùng cho các trường hợp bong gân. ( lưu ý : chỉ áp dụng sau 24h kể từ khi bị )

Thuốc đắp ngoài: lá huyết dụ, lá trầu không, vỏ cây gạo, lá náng hoa trắng, lá ngải cứu Dùng 2 - 3 thứ lá trên, mỗi thứ 1 nắm tay, rửa sạch, giã nát trộn với giấm hoặc rượu, sao nóng, đắp vào chỗ chấn thương. Khi nào khô lại thay miếng khác. Nên dùng 3 vị phối hợp với nhau sẽ tốt hơn chỉ dùng độc vị.

Thuốc uống trong: dùng một trong các bài:

Bài 1: nghệ vàng 2 củ, thái mỏng sao rượu, cỏ xước 12g thái mỏng sao rượu, vỏ cây gạo 16g bỏ vỏ ngoài, thái mỏng sao rượu, cây lá lốt 16g sao vàng. Tất cả cho vào nồi, đổ nước 3 bát sắc còn 1 bát chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 2: tua rễ si 50g (không có tua thì dùng cành si 60g, chặt từng khúc 3cm, sao vàng), sắc đặc lấy 1 bát, pha thêm tí rượu trắng, cho bệnh nhân uống trong ngày.

Trong thời gian điều trị, cần kết hợp xoa bóp và ăn các món cháo, canh thuốc sau:

Xoa bóp: chủ yếu xoa bóp huyệt giải khê, khâu khư, chiếu hải và thái khê nơi cổ chân đau. Huyệt giải khê nằm giữa đường lằn ngang phía trước khớp cổ chân, giữa hai khối gân cơ của ngón chân. Huyệt khâu khư ở chỗ lõm tự nhiên trước mắt cá ngoài. Huyệt chiếu hải nằm ở dưới mắt cá trong 1 tấc. Huyệt thái khê nằm ở lõm giữa mắt cá trong và gân gót chân, vị trí đầu mắt cá trong.

Phương pháp xoa bóp: ngồi bệt xuống sàn, chân không bị bệnh co gối lại để ngang dưới đùi chân kia. Cẳng chân bị bệnh chống lên, ngón cái của tay cùng phía ấn miết lên huyệt rồi thả tay ra, làm liên tục mỗi huyệt 14 lần. Cuối cùng nắm xoay khớp cổ chân theo chiều kim đồng hồ 36 lần rồi xoay ngược chiều kim đồng hồ 36 lần. Hai tay xoa vào nhau cho nóng ấm rồi xoa bóp lên khớp cổ chân bị bệnh. Làm liên tục trong 3 phút.

Chú ý: khi sai khớp không được dùng nước ấm ngâm chân mà phải sau 24 giờ mới có thể ngâm nước ấm kết hợp với xoa bóp để kích thích tuần hoàn máu.

Món ăn hỗ trợ khi bị bong gân:

Bài 1: Cháo thịt cua: cua 2 con, gạo 50g. Trước hết lấy thịt cua và gạch cua để sẵn. Gạo vo sạch đổ vào nồi, thêm nước nấu cháo, cháo chín cho thịt cua, gạch cua cùng với gừng sống, dấm, xì dầu đun sôi lên là được. Ăn trong bữa cơm. Công hiệu: nuôi dưỡng khí huyết, liền xương tiếp gân, chữa trật khớp sưng đau.

Bài 2: Canh xương sống lợn, đan sâm: xương sống lợn 500g, đậu tương 250g, đan sâm tím 50g. Đan sâm rửa sạch bỏ tạp chất cho vào nồi, đổ nước vừa đủ luộc đan sâm trong 1 giờ, dùng nước này để nấu xương lợn, đậu tương tới chín nhừ, cho một ít quế bì, gia vị, thấy nước sôi là được. Chia 2 - 3 lần trong ngày. Công hiệu: bổ xương sinh tủy hoạt huyết giảm đau, chữa cổ chân trẹo trật khớp sưng đau.

 

Bài 3: Gà ác nấu tam thất: gà trống xương đen 1 con 500g, tam thất 5g, hoàng tinh, muối vừa đủ. Giết gà mổ bỏ lòng ruột, rửa sạch; tam thất cho vào nồi, cho rượu muối rồi ninh nhừ. Ăn kèm trong bữa cơm. Công hiệu: bổ hư cứng gân nối xương, chưa gãy xương, cổ chân trật khớp sưng đau nhức

Điều quan trọng là cần đi khám bác sĩ nếu quý vị bị đau khi bong gân hoặc căng cơ. Điều này giúp quý vị có được phương pháp điều trị thích hợp.

Nguồn sưu tầm