Đông y trị bệnh tim mạch

Đông y nói chung và y học cổ truyền (YHCT) Việt Nam nói riêng, không có khái niệm về bệnh "tim mạch" như quan niệm của y học hiện đại (YHHĐ),  mà  thường dùng một  khái niệm chung, là bệnh của "tạng tâm". Hiện nay trong xu thế kết hợp Đông Tây y về điều trị, người ta thường vận dụng  hai chức năng của tạng tâm là tâm chủ huyết mạch và tâm tàng thần.

Tâm chủ huyết mạch
Tâm quản lý về huyết mạch, chức  năng này, ở mức độ nhất định, nó gần giống với chức năng của hệ tuần hoàn của YHHĐ. Nếu chức năng này tốt sẽ làm cho huyết dịch lưu thông tốt trong lòng mạch, làm cho hoạt động của tim tốt, thể hiện huyết dịch sung túc, cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào tươi nhuận. Nếu không tốt,  sẽ  làm cho huyết dịch lưu thông kém, gây ra các chứng huyết ứ, biểu hiện môi  tím tái, da xanh gầy, nhợt nhạt, đồng thời xuất hiện các chứng đau  tức, mà  YHCT cho rằng "bất thông tắc thống", nghĩa là không lưu thông thì tất nhiên sẽ dẫn đến đau, như đau thắt ngực, đau vùng tim (đau tim)... Để trị các chứng  bệnh như vậy, YHCT thường dùng các vị thuốc hoạt huyết (hành huyết), để làm cho khí huyết lưu thông dễ dàng. YHCT cho rằng,  muốn cho thuốc hoạt huyết phát huy được tác dụng,  khi  sử dụng  cần dùng kèm với thuốc hành khí, những vị thuốc làm cho phần khí trong cơ thể lưu thông tốt hơn; đó là các vị trần bì, hương phụ, cát cánh, chỉ xác...

St